Chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 2.154
Tháng 11 : 23.926
Quý 4 : 105.529
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Sáng ngày 25/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước.

imgmd8562-15772375982281135397937_1.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020

Năm 2019, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành chương trình công tác với 16 chỉ tiêu cụ thể và 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể. Với sự nỗ lực phấn đầu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%; hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Anh-7a---5670_1.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH

Điểm lại những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội năm 2019, trong đó có đóng góp quan trọng của toàn Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Ngành đã nghiêm túc triển khai các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra trên tất cả các lĩnh vực được giao, triển khai tương đối đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa hướng đến các mục tiêu trong trung và dài hạn. "Tôi khen Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có cách tổng kết rất hay. Có một tập sách hình ảnh minh họa và lời chú thích để ghi lại những điểm nổi bật nhất của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2019 cùng video clip. Đó là những báo cáo sinh động nhất cùng với báo cáo đã được gửi đến các đại biểu. Thời gian thay vì đọc báo cáo rất dài và khó nhớ so với xem 1 tập phim và 1 tập sách. Dần dần chúng ta thay đổi cách tổng kết báo cáo, dễ nhớ và sinh động"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương.

Thống nhất với báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, năm 2019, ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá (xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động) và 2 ưu tiên (giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em). Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm đã hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trước 1 năm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành rất cao. Riêng công ước 98 Chủ tịch nước trình thì 100% đại biểu tán thành. Chúng ta còn 2 Công ước là 105 và 87. Trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, chúng ta đã đưa tinh thần và tiêu chuẩn, nguyên tắc đó vào đây. Khi tham gia đàm phán các Hiệp định FTA thế hệ mới, bao giờ vấn đề lao động, công đoàn cũng được nhắc tới. Đây là những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, các văn bản này thông qua sẽ có hiệu lực sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn lao động, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong bối cảnh mới, khi chúng ta cam kết và thực thi các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Anh-1c---5544.jpg

oàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020

Về công tác giảm nghèo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống. Công tác giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng luôn được đặc biệt quan tâm, đã xem xét xác nhận cho hàng nghìn trường hợp thương binh, liệt sĩ; theo báo cáo của Bộ, đã có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng…

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.

imgmdqd8838-1577248169523707525784.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp hình lưu niệm với các đại biểu tại hội nghị

Cùng với đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Lãnh đạo Bộ và ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế”.

Trích nguồn molisa.gov.vn


Nguồn:molisa.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website