Chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 1.148
Tháng 10 : 27.712
Quý 4 : 27.712
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đôn đốc việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Nhằm đôn đốc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ngày 12/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị giao ban với các địa phương theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Lê Văn Thanh; các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI, đại diện UBND các tỉnh thành trên toàn quốc.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là một chủ trương rất nhân văn, hợp lòng dân, được sự đồng thuận của người lao động

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước đã vượt qua đại dịch, vượt qua cuộc suy thoái về y tế dẫn đến suy thoái kinh tế - xã hội, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là những người lao động, lao động nhập cư, công nhân trong các khu công nghiệp, dịch vụ.

Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, trong đó nhiều chính sách vượt trội, chưa từng có tiền lệ, như Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, Quyết định 08,… của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

fb87296a040fc151981e.jpg

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bộ trưởng cho biết, đến nay, ước tính chúng ta đã sử dụng 146 nghìn tỷ nguồn hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khắc phục, vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó riêng Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 chúng ta đã hỗ trợ 81 nghìn tỷ cho 55 triệu lượt người lao động và người sử dụng lao động. Qua đó tạo ra đồng cảm xã hội, cùng người lao động vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội, giúp thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh.

Cho đến nay, quy mô lao động đã dần phục hồi, với quy mô khoảng 51,4 triệu người. Đặc biệt trong các lĩnh vực, địa bàn gặp khó khăn trong đại dịch thì hiện nay mức độ phục hồi tương đối tốt. Riêng về ngành du lịch, dịch vụ có khoảng 19,2 triệu người, bình quân mỗi quý tăng 900.000 người lao động trong vòng 3 quý gần đây.

Đời sống, thu nhập của người lao động ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi chúng ta điều chỉnh một vài chính sách trong quý II/2022. Tỉ lệ thất nghiệp giảm đi, tỉ lệ có việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng tăng lên. Quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động duy trì tương đối tốt trên nguyên tắc ổn định, hài hòa và tiến bộ.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng thị trường lao động chưa bền vững. Tỉ lệ người lao động có việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng chưa cao, đời sống của một bộ phận người lao động, nhất là công nhân phải thuê nhà trọ, công nhân và những người lao động khu vực dịch vụ còn bấp bênh. Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ đang diễn ra, nhất là những ngành, nghề, lĩnh vực yêu cầu trình độ cao. Lực lượng lao động yêu cầu trình độ cao để tiếp nhận vào một số ngành nghề, lĩnh vực đang thiếu.

Bộ trưởng nhận định, nhìn tổng quát, cần có các chính sách rất bài bản, căn cơ trong việc đào tạo nguồn lao động, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập. Trong quý III, quý IV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, các cuộc đào tạo, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, tập trung đào tạo một cách căn bản, căn cơ ở trong một số ngành, lĩnh vực, nhất là ở một số ngành đang dự báo là sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistic,…Bên cạnh đó, tập trung chuyển dịch nhanh lực lượng lao động phi chính thức sang chính thức.

Trong tất cả các giải pháp đó, việc chúng ta tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động để tạo ra sự phát triển xã hội, thông qua phát triển xã hội, phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp tạo công ăn việc làm nhằm nâng cao đời sống, thu nhập, phúc lợi của người dân.

Với các chính sách đã thực hiện thời gian qua, việc chúng ta thực hiện chủ trương hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động gặp khó khăn phải đi thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp, các vùng kinh tế trọng điểm là vô cùng quan trọng.

Chính vì vậy, cấp có thẩm quyền, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong Chương trình phục hồi kinh tế xã hội đã dành hẳn một nội dung về phục hồi xã hội, trong phục hồi xã hội có vấn đề an sinh xã hội, xây dựng lưới an sinh cho người dân, cụ thể đã dành ra 6.600 tỷ đồng tiền từ tăng thu ngân sách cấp Trung ương để hỗ trợ trực tiếp cho 3,4 triệu người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thuê trọ nhằm giữ chân người lao động, thu hút người lao động quay trở lại thị trường.

Chính sách này được ban hành rất nhanh, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Quốc hội, Chính phủ ngay sau khi gói phục hồi được ban hành. Có thể nói rằng đây là một chủ trương rất nhân văn, rất hợp lòng dân, được sự đồng thuận của người lao động, một chủ trương rất đúng, rất trúng của Đảng và Nhà nước.

9294963d1758d2068b49.jpg

Hội nghị giao ban với các địa phương nhằm đôn đốc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg diễn ra theo hình thức trực tuyến

Cần nhìn nhận nghiêm khắc những nguyên nhân chậm trễ việc giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Thời gian qua, mặc dù mới triển khai từ tháng 3 và thời hạn tiếp nhận hồ sơ đến 15/8, tuy nhiên Bộ trưởng cho biết hầu hết các địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch, ban hành văn bản để triển khai.

Đến nay, nhìn tổng quát, hầu hết các địa phương đã triển khai hỗ trợ. Đơn vị hỗ trợ cao nhất cho đến ngày 12/8 đạt 62%, nhiều đơn vị đạt trên 50% và khoảng 10 tỉnh thành đạt từ 30% đến trên 40%.

Kết quả này cho thấy bước nhảy vọt rất nhanh kể từ phiên họp Chính phủ ngày 4/8. Tại thời điểm đó, đơn vị cao nhất là Bắc Giang, khoảng 33%, Thái Nguyên khoảng trên dưới 30%, cho đến nay chúng ta đã có hơn 20 tỉnh thành đạt trên 40%, đây là bước tiến bộ rất rõ rệt.

Tuy nhiên, nhìn tổng quát thấy rằng, nhiều địa phương có số lượng hồ sơ cần tiếp nhận, phê duyệt, giải ngân còn thấp, nhiều tỉnh có tỉ lệ rất thấp, cá biệt có nơi chưa giải ngân một đồng nào. Đây là những nội dung cần nhìn nhận nghiêm khắc.

Từ những nhận định trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra một vài nguyên nhân sau:

Một là, các địa phương nhận thức chưa đúng về vấn đề này, chưa coi trọng đúng mức chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Hai là, một số nơi còn thờ ơ với chính sách này, coi việc này là trách nhiệm của riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, của ngành bảo hiểm xã hội, của doanh nghiệp, dẫn đến chưa tập trung chỉ đạo. Có thể thấy, những ngày vừa qua, khi được chỉ đạo quyết liệt, những địa phương như Trà Vinh, Đồng Nai, tại thời điểm ngày 4/8 còn bị phê bình mà đến nay đã giải ngân được tỉ lệ tương đối tốt.

Ba là, một số nơi phát sinh thủ tục không đúng theo quy định. Có những nơi yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy phép kinh doanh, giấy đăng kí tạm vắng, tạm trú,…cá biệt có nơi còn phải đưa qua Hội đồng nhân dân duyệt danh sách hỗ trợ. Bộ trưởng khẳng định, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính vô hình chung gây khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận chính sách, gây kéo dài thời gian phê duyệt hồ sơ.

Bốn là, một số địa phương sợ trách nhiệm, sợ sai, dẫn đến phát sinh thủ tục. Đây là những vấn đề chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

3f7c5530e55720097946.jpg

92e105bc10d9d5878cc8.jpg

Các địa phương báo cáo tiến độ triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg

Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tất cả các đơn vị, nhất là các nơi đang làm tốt, dẫn đầu thì phải phấn đấu 3 việc: 1) Tập trung tuyên truyền để tiếp nhận hồ sơ, những trường hợp chưa nộp hồ sơ phải nộp trước 15/8 theo quy định; 2) Những hồ sơ đã tiếp nhận thì khẩn trương thẩm định, phê duyệt; 3) Những hồ sơ đã phê duyệt rồi thì phải khẩn trương chi tiền cho người lao động theo quy định.

Hai là, Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo sở, lãnh đạo các ngành địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những kết luận chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng. Đề nghị các địa phương phân công một lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo triển khai nội dung này. Bên cạnh đó cần chú ý 2 mốc thời gian là ngày 15/8, ngày cuối cùng nhận hồ sơ, và mốc thời gian các địa phương đã cam kết hoàn thành việc giải ngân, theo đó các tỉnh phải hoàn thành trước 30/8.

Ba là, tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Trong đó, trước hết cần kiểm tra việc thực thi hỗ trợ về tiến độ, hồ sơ phê duyệt, quy trình phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ giao Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Cục Việc làm tham mưu cho Bộ trưởng tiếp tục tổ chức một số đoàn đi kiểm tra một số địa phương, nơi nào làm tốt thì khuyến khích, nêu gương, địa phương nào chưa tốt thì phê bình, đôn đốc. Trong tuần sau, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra tại một số địa phương ( TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Năm là, công khai thông tin báo chí 3 ngày một lần. Bộ trưởng yêu cầu Cục Việc làm cung cấp thông tin về tiến độ tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt và giải ngân của các tỉnh thành đến cơ quan báo chí để liên tục cập nhật. Bên cạnh đó, đưa tin các đơn vị làm tốt, chưa tốt trong các chương trình thời sự hàng ngày. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí tích cực phát hiện những đơn vị làm tốt để nêu gương, chưa tốt để khắc phục.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các đồng chí lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 để chính sách này đến với người lao động nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Theo báo cáo của Cục Việc làm, kết quả triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg đến ngày 12/8 như sau:

1. Kết quả chung

Đã có 60/63 tỉnh (02 tỉnh không có đối tượng: Lai Châu và Điện Biên; tỉnh Cao Bằng báo cáo tính đến thời điểm ngày 10/8/2022 không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ) có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ, kết quả thực hiện như sau:

Số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận được: 61.084 doanh nghiệp với 3.023.050 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.130 tỷ đồng (tương đương với 32,8 % so với số kinh phí dự kiến của địa phương).

- Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ: 32.106 doanh nghiệp, 2.070.377 lao động với kinh phí gần 1.314,5 tỷ đồng (tương đương với 61,7 % so với số kinh phí đề nghị).

- Số hồ sơ đã được giải ngân: 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến).

Hiện tại có 04 địa phương chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Do một số địa phương dự kiến số lượng ban đầu cao hơn thực tế nên tính đến thời điểm hiện tại đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng tỉ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu không cao và đã có văn bản điều chỉnh ví dụ như: Đồng Nai, Hải Dương, Sóc Trăng,….

2. Kết quả cụ thể từng chính sách

a) Hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp

- Số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận được: 47.858 doanh nghiệp với 2.803.311 lao động với kinh phí gần 1.864,7 tỷ đồng.

- Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt: 27.578 doanh nghiệp với 1.960.142 lao động với kinh phí hơn 1.407,9 tỷ đồng. (63,28 % kinh phí đề nghị đã được thẩm định và có quyết định phê duyệt)

- Số hồ sơ đã được giải ngân: 14.613 doanh nghiệp với 1.072.835 lao động, kinh phí hơn 730,3 tỷ đồng.

b) Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động

- Số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận được: 13.224 người sử dụng lao động với 219.690 lao động, kinh phí hơn 237,9 tỷ đồng.

- Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ: 6.853 người sử dụng lao động với 138.502 lao động, kinh phí hơn 138,5 tỷ đồng (51,08 % kinh phí đề nghị đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt)

- Số hồ sơ đã được giải ngân: 3.013 doanh nghiệp với 44.227 lao động, kinh phí là hơn 57,5 tỷ đồng.

c) Tiến độ giải ngân của các địa phương

- Tính đến thời điểm hiện tại có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, có 04 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

- Các địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều người lao động nhất hiện nay là: 

ăâăê.jpg

- Ngoài 04 địa phương chưa có thực hiện giải ngân nêu trên thì còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: 

ôềôêồ.jpg

Và còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Vĩnh Long, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam... (Đặc biệt An Giang, Bắc Ninh còn là các địa phương có số lao động và kinh phí dự kiến rất cao).

Đối với Hải Phòng tính đến 19h tối ngày 11/08 thì tỉ lệ giải ngân có 0,4% nhưng đã tiến hành cập nhật vào lúc 01h15p ngày 12/08 đã nâng tỉ lệ giải ngân lên 2,78%.


Nguồn:molisa.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website