Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Ngày 21/3/2020, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thông báo của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị sáng 20/3 về công tác phòng, chống dịch COVID-19. |
Thông báo do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành, nêu rõ: Tại phiên họp ngày 20/3/2020, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Báo cáo số 1354-BC/BCSĐCP, ngày 19/3/2020) và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:
1. Trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đang bùng phát mạnh ở nhiều nước, khu vực, tác động sâu, rộng tới sự phát triển kinh tế-xã hội trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và đời sống của người dân ở nhiều quốc gia.
Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời có những giải pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, đoàn thể… và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao.
Các thông tin về dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các thông tin sai sự thật. Nhân dân ta đã thể hiện sự bình tĩnh, chủ động cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Nhờ có sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng, chúng ta đã và đang kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch cũng có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa được nhuần nhuyễn; một số nơi chưa thực sự quyết liệt, công tác thông tin, tuyên truyền ở một số thời điểm, địa bàn định hướng chưa rõ, hiệu quả chưa cao. Nhưng với tinh thần cả nước tập trung phòng, chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh nên nước ta đã không để dịch bệnh lan rộng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng. Kết quả thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chúng ta tin rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn, sớm ổn định và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
2. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu:
2.1. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
2.2. Tập trung phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc: Ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh; điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ; khoanh vùng, dập dịch; điều trị kịp thời, hiệu quả.
Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương, khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khoẻ nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm bệnh COVID-19. Cấp uỷ, chính quyền ở xã, phường, thị trấn phải phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an, quân sự, y tế, phối hợp chặt chẽ, tăng cường nắm chắc tình hình, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
2.3. Hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nhân lực để phòng, chống dịch trong tình huống dịch bùng phát mạnh. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch. Có chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời những người tham gia phòng, chống dịch. Các địa phương có dịch phải ưu tiên mọi điều kiện, nguồn lực để chống dịch, dập dịch.
2.4. Tuyên truyền, thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh.
2.5. Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kịp thời chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm ngừng việc, những người trong vùng dịch; phối hợp với các nước hỗ trợ kịp thời người Việt Nam ở nước ngoài.
2.6. Tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân.
2.7. Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của ta trong quá trình phòng, chống dịch bệnh.
2.8. Các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và các nội dung chỉ đạo trong Điện của Thường trực Ban Bí thư ngày 14/3/2020 về tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở.
3. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương nêu trên. Ban Tuyên giáo Trung ương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, thường xuyên hướng dẫn và tổng hợp các hoạt động, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị.
Thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến đấu chống đại dịch đã thể hiện ý chí, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, hài lòng với những kết quả đã làm được, cần phải tiếp tục thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn và dập tắt dịch bệnh.
Trong thời điểm khó khăn và phức tạp này, Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam ta nhất định chiến thắng đại dịch COVID-19./.