Vết thương chưa lành
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi ám ảnh về những trận đánh khốc liệt vẫn luôn dày vò trong tâm trí những người lính, để rồi mỗi khi nhớ về ký ức đó lại là một lần vết thương tái phát.
Chăm lo bữa ăn cho người bệnh.
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Mặc dù đã gần trưa nhưng tại Khoa Người có công rất nhiều bệnh nhân là người có công tay cầm cờ đỏ sao vàng chạy vòng quanh sân, miệng hô vang khẩu hiệu xung phong. Họ hò reo ăn mừng cho chiến công của quân ta, mải miết phất lá cờ đỏ sao vàng như báo hiệu tin vui. Những thương bệnh binh nửa tỉnh, nửa mê bỗng trở thành những người lính tràn đầy niềm vui chiến thắng. Với bệnh binh Phạm Mạnh Cường, gần 20 năm sống tại Trung tâm, những ký ức chắp vá về trận đánh ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) luôn hiện về trong mỗi câu chuyện. Với ông, cuộc chiến mới chỉ như ngày hôm qua: “Chiến đấu ở Đồng Đăng, bọn địch chỉ đánh lẻ tẻ thôi, nó câu pháo phá trận địa của ta, quân ta xông lên, đánh đuổi nó lui mấy đại đội. Ta giải phóng Đồng Đăng…”.
Giao lưu văn nghệ giữa cán bộ Trung tâm và bệnh nhân để giúp người bệnh vui vẻ.
Ở khu điều dưỡng người có công tâm thần, những toa thuốc điều trị chỉ có tác dụng nhất thời, sự thấu hiểu, động viên mới chính là liều thuốc tốt nhất xoa dịu vết thương không lành trong tâm trí họ. Đôi khi, những ký ức chiến tranh vọng về, khiến cho những thương binh, bệnh binh lên cơn tái phát tâm thần. Người thì la hét, ra lệnh xung phong, người thì chào cờ và hát vang ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, cũng có người bỗng nửa đêm bật dậy khóc thương cho đồng đội vừa mới hy sinh. “Có những hôm tôi thấy một bác không ở trong giường mà cứ ra sau nhà vệ sinh khóc. Tôi vào động viên hỏi sao anh lại ngồi đây mà khóc thế này. Anh ấy bảo tôi thương anh Báu bạn tôi, anh ấy vừa chết hôm qua mà anh ấy có cô người yêu xinh lắm. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết động viên an ủi, là anh Báu được đưa đi cấp cứu rồi, giờ anh về giường uống thuốc rồi ngủ đi, ngày mai chúng tôi dẫn anh đi thăm anh ấy” - điều dưỡng viên Bùi Thị Thương, Khoa Người có công xúc động chia sẻ. Thấu hiểu sự tổn thương, mất mát trong trái tim, tâm hồn những thương binh, bệnh binh nặng nên mọi cử chỉ, hành động của họ đều được các cán bộ, y tá, điều dưỡng ở đây tìm cách sẻ chia để làm vơi đi những ký ức đau thương. “Có hôm chúng tôi thấy bệnh nhân ở giữa 2 khe bể, chúng tôi hỏi sao anh lại ở đây, bệnh nhân trả lời là tôi đang nấp bom… Có rất nhiều những ký ức chiến tranh như thế. Lúc đó chúng tôi phải an ủi, động viên vỗ về. Có khi chúng tôi phải đồng hành với họ, cũng mốt hai mốt với họ rồi hô nghiêm, trở lại vị trí ban đầu thế là bệnh nhân lại trở lại vị trí ban đầu” - điều dưỡng viên Bùi Thị Thương cho biết thêm.
Phục hồi chức năng cho người bệnh.
Hiện nay, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần đang nuôi dưỡng gần 70 đối tượng người có công. Trong đó có 38 thương bệnh binh nặng, tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên còn lại là con liệt sĩ và con của nạn nhân chất độc hóa học. Các thương binh tâm thần mắc bệnh thường do bị thương hay sốc tâm lý hoặc bị ảnh hưởng từ sức ép của bom đạn. Di chứng họ mang trên mình ròng rã suốt những năm sau chiến tranh không chỉ là những căn bệnh hiểm nghèo mà còn có cả những vết sẹo tinh thần không thể nào mờ đi trong tâm trí. Ông Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tâm sự: Các bệnh nhân là người có công ở Trung tâm đều là những bệnh nhân nặng, chấn động tâm lý từ các trận chiến đấu. Để giúp các bệnh nhân có những giây phút vui vẻ, ngoài thời gian điều trị, Trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để bệnh nhân cùng tham gia tạo sự gần gũi giữa cán bộ và người bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tích cực liên hệ, vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà để động viên các đối tượng, nhờ đó tinh thần mỗi người thêm thoải mái giúp cho việc điều trị được hiệu quả. Bệnh binh Nguyễn Quang Thái tâm sự: Hàng năm, mỗi khi vào dịp lễ, tết, có nhiều đoàn đến Trung tâm thăm, tặng quà cho anh em là thương bệnh binh, nhiễm chất độc da cam/Điôxin nên mọi người rất vui vẻ. Điều trị ở đây tuy xa nhà nhưng cũng có tình cảm của cán bộ, của anh em cũng đỡ buồn tủi, đỡ mặc cảm đối với bệnh tật của mình.
Chiến tranh đã qua đi, những ký ức còn sót lại trong tâm trí những người lính thương binh, bệnh binh là nỗi niềm tiếc thương đồng đội và cả niềm vui chiến thắng. Hiểu về những nỗi đau sau chiến tranh, chúng ta càng hiểu rõ hơn về những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh để đổi lấy cuộc sống hòa bình hôm nay.
Nguyễn Cường
(Trích nguồn từ Báo Thái Bình điện tử)