5 năm thực hiện Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN 2016 – 2020:Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 62%
Ngoài việc góp phần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên cả nước, Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đã hỗ trợ các cơ sở GDNN tuyển sinh hơn 11 nghìn chỉ tiêu đào tạo, tăng 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011 – 2015; giúp hơn 10 nghìn người tốt nghiệp các trình độ CĐ, TC, SC và các chương trình đào tạo nghề khác; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt khoảng 62%. Đặc biệt, hơn 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp GDNN có việc làm và thu nhập cao… Đây là thông tin được Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Dự án Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng công tác GDNN giai đoạn 2021 – 2025 vừa diễn ra tịa Hải Dương.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu
Báo cáo tổng kết Dự án, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục GDNN) Khương Thị Nhàn cho biết, trong 5 năm (2016 - 2020), thông qua việc thực hiện Dự án, GDNN đã đạt được những kết quả tích cực. Các nội dung, nhiệm vụ của Dự án được triển khai đồng bộ, quyết liệt và có chọn lọc với sự ứng dụng tối đa của công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, trong dạy và học… góp phần hỗ trợ phát triển hệ thống GDNN có năng lực đào tạo lao động kỹ năng nghề cao, từng bước tạo đột phá về chất lượng GDNN trong bối cảnh nguồn lực tài chính cho lĩnh vực GDNN còn hạn hẹp.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục GDNN) Khương Thị Nhàn phát biểu
Theo kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm (kết quả khảo sát tại 2.735 doanh nghiệp, ở 34 tỉnh/thành phố) năm 2018 cho thấy, doanh nghiệp đang sử dụng 130.120 lao động qua đào tạo các ngành, nghề trọng điểm (chiếm 36,6% trong tổng số lao động) và nhu cầu trong giai đoạn 2019-2021 tăng lên 196.646 người (tăng 51%). Đồng thời, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; thu nhập của người lao động tăng; người lao động có trình độ học vấn cao, thu nhập càng được đảm bảo. Nhờ đó, nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN đã có những chuyến biến tích cực; số lượng người tham gia vào GDNN ngày càng tăng. Đặc biệt, việc Việt Nam 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn trong 8 lần dự thi tay nghề ASEAN; 2 lần đạt huy chương và nhiều chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề thế giới đã đưa trình độ kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên Việt Nam đứng vị trí thứ 3/10 quốc gia ASEAN.
TS. BS Lê Anh Tuân, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Sơn La phát biểu
Việc xây dựng chuẩn đầu ra, phát triển, thực hiện chương trình đào tạo tiếp cận các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo được đổi mới, thường xuyên cập nhật theo yêu cầu của thị trường lao động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đã mang lại hiệu quả cao cho toàn hệ thống GDNN. Việc hỗ trợ đầu tư tập trung đồng bộ cho các trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm, từng bước góp phần thực hiện quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục nghề nghiệp để giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Công tác kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, chương trình đào tạo; xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được tăng cường. Riêng đối với việc tư vấn, hướng nghiệp, tuyên truyền về GDNN đã bước đầu tác động mạnh mẽ tới đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động. Nhận thức của Học sinh và Phụ huynh học sinh đã có nhiều thay đổi, Thông điệp “Thực học, thực hành – Vững khởi nghiệp, sáng tương lai” được lan tỏa và phổ biến mạnh mẽ. được sự quan tâm của các cấp các ngành, của doanh nghiệp, nhận thức của người dân và xã hội về giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng yêu cầu, các đại biểu tham dự Hội nghị cần thẳng thắn trao đổi và đóng góp ý kiến một cách trách nhiệm nhằm chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại hạn chế trên; đồng thời đưa ra giải pháp để khắc phục, giải quyết. Theo ông Dũng, có thể chỉ ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục nguyên nhân của những mặt hạn chế đang tồn tại, chúng ta mới có thể thực hiện tốt nhật các nhiệm vụ trọng tâm công tác GDNN giai đoạn 2021 – 2025 là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đản bảo đầu ra là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Toàn cảnh hội nghị
Theo đó, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong 5 năm thực hiện Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN: Kinh phí thực hiện Dự án còn hạn hẹp; việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; NSNN đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Việc lựa chọn ngành, nghề trọng điểm không phù hợp với năng lực của trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; không dự báo nhu cầu của người học, nhu cầu của người sử dụng lao động; không dự báo được sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế xã hội và của thị trường lao động trên thế giới và khu vực... Theo đó các đại biểu cho rằng, trong giai đoạn tới ngoài việc sớm giải quyết các tồn tại nêu trên, Quốc hội, Chính phủ cần cải cách và hoàn thiện thể chế để tạo cho các cơ sở GDNN có một hành lang pháp lý mạnh và thông thoáng để hoạt động hiệu quả hơn.