Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng
Thừa Ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 29 tháng 8 năm 1994. Từ đó đến nay đã 6 lần sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh). Pháp lệnh là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ chủ trì soạn thảo dự án Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp tháng 12 năm 2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)
Theo Bộ trưởng, sửa đổi Pháp lệnh lần này xuất phát từ các yêu cầu sau: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng được nêu tại các văn bản của Đảng qua các thời kỳ; giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng; nghiên cứu, bổ sung một số trường hợp người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ, chính sách; bổ sung chính sách ưu đãi đối với thân nhân người có công với cách mạng; một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân quá thấp, bất hợp lý; chưa bảo đảm cân đối, hài hòa về mức độ cống hiến giữa các diện đối tượng là người có công với cách mạng. Việc sửa đổi Pháp lệnh cần được rà soát, sửa đổi để xác lập các chế độ ưu đãi phù hợp với công lao cống hiến của từng diện đối tượng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục đích sửa đổi Pháp lệnh nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác này: phấn đấu đến hết năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia tích cực hơn nữa cùng với nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; Khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về quan điểm chỉ đạo sửa đổi Pháp lệnh, Bộ trưởng cho biết, cần rà soát, sửa đổi và chuẩn hóa các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo tôn vinh danh hiệu người có công với cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, mức độ cống hiến và chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi. Xác lập các mức trợ cấp, phụ cấp và ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo tương quan bình đẳng công lao đóng góp, sự hy sinh giữa các diện đối tượng. Đồng thời bảo đảm tính khả thi của chính sách và tính công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ, giấy tờ để phù hợp với điều kiện, bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, đặc điểm lịch sử địa lý của từng vùng miền trong kháng chiến. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công. Tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm lo người có công với cách mạng.
Toàn cảnh Phiên họp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, Chính phủ đã cho ý kiến toàn diện về dự thảo Pháp lệnh (sửa đổi) nhất là những vấn đề mới, những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Một số nội dung cụ thể, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:
Về bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Chính phủ đã bổ sung trong dự thảo Pháp lệnh chính sách trợ cấp đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Song quá trình lấy ý kiến rất khác nhau, chưa nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan chuyên môn về cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, Pháp lệnh hiện hành quy định thân nhân của liệt sĩ là: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác thì không phải là thân nhân liệt sĩ và không được hưởng các chế độ ưu đãi như thân nhân liệt sĩ. Tuy nhiên, để ghi nhận tình cảm, trách nhiệm của người vợ/chồng tuy đã có chồng/vợ khác nhưng vẫn làm tốt việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ nên Chính phủ bổ sung chính sách trợ cấp tuất hàng tháng (bằng một lần mức chuẩn) đối với trường hợp có biên bản của gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ khẳng định đã nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống, được UBND cấp xã xác nhận. Quá trình soạn thảo Pháp lệnh, có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung chính sách bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ tiếp thu, bổ sung chế độ bảo hiểm y tế, chưa mở thêm chế độ trợ cấp mai táng và chính sách ưu đãi khác như người có vợ hoặc chồng liệt sĩ không tái giá.
Về công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), sau khi xem xét, Chính phủ tiếp thu và sửa đổi tại Điều 14 của dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang tôn vinh, khen thưởng Huân chương, Huy chương và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với vấn đề công nhận bệnh binh thời bình, quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến đề nghị xem xét bỏ chế độ Bệnh binh trong thời bình vì. Sau khi nghiên cứu, Chính phủ đề nghị sửa đổi và quy định trong dự thảo Pháp lệnh như sau: Đối với các trường hợp là bệnh binh đang hưởng theo Pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng theo quy định. Không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công; trừ các trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Bệnh binh mới từ khi Pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực, hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng.
Ưu đãi người có công là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách xã hội
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Chính phủ trình.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh xuất phát từ những yêu cầu như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình và thấy rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm "thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước", "không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công" cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.
Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của dự án Pháp lệnh như dự thảo Chính phủ trình là: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, dự án Pháp lệnh cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 59 của Hiến pháp năm 2013, đó là “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước” và về cơ bản bảo đảm sự thống nhất với quy định của các luật, pháp lệnh có liên quan.
Ủy ban thống nhất với giải trình của Chính phủ về việc chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm/nhiễm chất độc hóa học trong dự án Pháp lệnh mà “tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật và đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.”, theo hướng “có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù, có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội.”.
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo giải trình nguyên nhân của việc chưa thể chế hóa một số nội dung đã được nêu tại Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đó là: nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài; người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974-1975 nhưng chưa đủ thời gian cấp Huy chương.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Ban soạn thảo đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình xây dựng dự án Pháp lệnh, đã tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động, lấy ý kiến các bộ, ngành và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Pháp lệnh. Hồ sơ dự án Pháp lệnh về cơ bản có đầy đủ các thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo thuyết minh làm rõ các nội dung trong Tờ trình (cơ sở của những nội dung mà Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ); cung cấp thông tin, số liệu cụ thể theo từng loại đối tượng người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng tại thời điểm gần nhất; dự báo số lượng đối tượng mới dự kiến được hưởng các chế độ chính sách và nguồn kinh phí tăng thêm; nguồn kinh phí cần thiết bảo đảm thực hiện Pháp lệnh.