Chỉ đạo điều hành
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 2.307
Tháng 10 : 31.253
Quý 4 : 31.253
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm mới về tiền lương trong Dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012

“Lương tối thiểu vùng được xây dựng trên 5 căn cứ, hoán đổi tiêu chí nhu cầu sống tối thiểu, bóc tách các khoản khi trả lương, trả lương cho người được uỷ quyền hợp pháp…” là những nội dung mới tại Dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 đang được lấy ý kiến dư luận xã hội.

image(20).png

Theo kế hoạch, dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5 và thông qua vào Kỳ họp tháng 10.

Hoán đổi tiêu chí "đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu..."

Dự thảo sửa đổi đã đưa ra khái niệm ngắn gọn hơn so với Luật hiện hành về lương tối thiểu: “Mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường”.

Trong khi đó, khái niệm về lương tối thiểu trong Luật Lao động 2012 (hiện hành), ngoài thông tin trên còn được bổ sung thêm nội dung: “phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

5 tiêu chí mới để xác định, điều chỉnh lương tối thiểu:

- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;

- Tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường;

- Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;

- Quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp;

- Năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp;

(Nguồn: Dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012)

Thay vào đó, nội dung “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” đã được Dự thảo chuyển thành 1 trong 5 tiêu chí mới xác định, điều chỉnh lương tối thiểu.

Theo nhiều chuyên gia về tiền lương, việc chuyển nội dung “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” từ phần một phần trong khái niệm thành 1/5 tiêu chí xác định lương tối thiểu sẽ gây ra nhiều quan điểm khác nhau.

“Trong các lần đàm phán lương tối thiểu vùng gần đây, các bên vẫn coi nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ là một “cột mốc” để đàm phán và điều chỉnh theo hướng tiệm cận. Nay, “cột mốc” này không còn và chỉ trở thành 1/5 tiêu chí xác định, điều chỉnh lương tối thiểu” - một chuyên gia tiền lương nhận xét.

Cũng theo vị chuyên gia này, mức lương tối thiểu hiện đáp ứng được 95 % mức sống tối thiểu (nhu cầu sống tối thiểu). Nhưng khi các điều kiện sinh hoạt thay đổi, mức sống tối thiểu sẽ luôn thay đổi. "Và như vậy, khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu sẽ có thể còn cách xa nhau", vị chuyên gia cho biết.

Doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương

Cũng tại Dự thảo quy định, người sử dụng lao động chủ động xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Mức lao động được hiểu là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức của người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và công bố công khai tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, quy định gửi thang lương, bảng lương tới cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động đã không còn được đề cập.

Về trả lương, Dự thảo quy định việc trả bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Theo đó, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, gồm: Mức lương cơ bản; tiền trả làm thêm giờ và khoản tiền khác (nếu có); nội dung và tiền bị khấu trừ theo quy định tại của Bộ luật này.

Về nguyên tắc, người sử dụng lao động trả lương trực tiếp cho người lao động. Trường hợp bất khả kháng mà không thể thực hiện trả lương trực tiếp, Dự thảo quy định người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Bổ sung thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia

Dự thảo đã bổ sung thành phần chuyên gia lĩnh vực kinh tế, xã hội, lao động, tiền lương trong Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Theo đó, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm: Các thành viên là đại diện cho các cơ quan Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương, một số chuyên gia lĩnh vực kinh tế, xã hội, lao động, tiền lương.

Về mức lương tối thiểu vùng, Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Hoàng Mạnh

(Trích nguồn từ dantri.com.vn)


Nguồn:báo chí Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website